Ngày 10/4, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPS - mã chứng khoán: PPS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của PVPS
Nhìn lại kết quả năm 2023, lãnh đạo PVPS đánh giá, công ty đã có một Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của PVPS, năm kinh doanh khá thành công. Cụ thể, doanh thu là 310,53 tỷ đồng, đạt 114,62% kế hoạch. Tổng chi phí là 286,64 tỷ đồng, đạt 114,59%; lợi nhuận trước thuế 23,89 tỷ đồng, đạt 115%; nộp ngân sách nhà nước là 12,08 tỷ đồng, đạt 59,54% kế hoạch; tỷ lệ chi trả cổ tức là 9,4%.
Về doanh thu ngoài, PVPS đã kiếm được doanh thu ngoài khoảng 30% (tương đương khoảng 90 tỷ đồng). Đây là bước tiến rất lớn so với mức 21% của năm 2022.
Về công tác tiền lương, tổng quỹ tiền lương thực hiện là 110,788 tỷ đồng. Trong đó, quỹ tiền lương của người lao động là 104,67 tỷ đồng (trừ lao động tại chi nhánh Đà Nẵng), tương ứng tiền lương bình quân là 20,5 triệu đồng/người/tháng.
PVPS đã nhận được sự hỗ trợ của các cổ đông lớn là PVN và PV Power trong việc triển khai các hợp đồng bảo dưỡng sửa chữa dài hạn và định kỳ tại các nhà máy điện; chủ động trong việc mở rộng bảo dưỡng sửa chữa cho các nhà máy điện thuộc EVN và các nhà máy điện BOT, nhà máy lọc dầu, các nhà máy công nghiệp khác. Bên cạnh đó, các hoạt động bảo dưỡng sửa chữa đều đảm bảo chất lượng và theo tiến độ đã thống nhất, thậm chí vượt kế hoạch.
Đối với mục tiêu năm 2024, tổng doanh thu công ty dự kiến đạt 263,4 tỷ đồng, tổng chi phí khoảng 242,62 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 20,78 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 16,62 tỷ đồng.
Được biết, năm 2024, PVPS sẽ tiếp tục thực hiện công tác sửa chữa định kỳ các nhà máy điện như nhà máy điện Nhơn Trạch 1, nhà máy điện Vũng Áng 1, nhà máy thủy điện Hùa Na...
Song song với đó là tăng cường công tác xúc tiến, tham gia đầu thầu; tìm kiếm công việc trong ngành để tăng doanh thu, nâng cao công tác quản lý, thực hiện các biện pháp về lao động, đảm bảo chăm lo đời sống cho người lao động, chuẩn bị cho công tác sửa chữa định kỳ năm 2025.
Ngược lại, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến doanh thu của PVPS như hợp đồng Cà Mau 1 và 2, dự địa hợp đồng bảo dưỡng sửa chữa dài hạn với giá trị doanh thu/lợi nhuận lớn không còn, khó khăn khi tham gia đấu thầu, năng lực công ty hiện chưa hoàn thiện để cạnh tranh, tỷ trọng lao động gián tiếp và trái ngành nghề cao, lực lượng lao động trực tiếp có xu hướng nghỉ việc hoặc chuyển dịch sang nơi khác.
PVPS thường xuyên chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong nhiều năm qua
|
Đáng chú ý, liên quan tới vấn đề phân phối lợi nhuận, công ty dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 9,4% cho năm 2023 và 8,9% cho năm 2024. Tuy nhiên, cổ đông tham gia đại hội cho rằng, hiện nay cổ phiếu PPS xảy ra tình trạng nhiều ngày không có giao dịch hoặc giao dịch với mức thanh khoản thấp. Điều này chủ yếu do cơ cấu cổ đông của công ty cô đặc và vốn điều lệ thấp.
Thực tế, theo ghi nhận của Thương gia, trong 10 phiên giao dịch gần đây nhất thì cổ phiếu PPS có 3 phiên mất thanh khoản, 6 phiên dưới 3.000 đơn vị và chỉ duy nhất 1 phiên đạt 9.400 đơn vị. Do đó, ban lãnh đạo công ty nên xem xét trả 1 phần cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì trả bằng tiền như thông lệ nhiều năm trước", vị cổ đông của PVPS kiến nghị.
|
Tiếp nhận đề xuất trên, đại diện PVPS thông tin, hiện tại vốn lưu động của công ty là 150 tỷ đồng, trong đó có khoảng 100 tỷ đồng gửi tiết kiệm. Trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng các ngành nghề kinh doanh và phát triển thị trường mới nên việc xem xét phát hành cổ phiếu trả cổ tức thay vì trả tiền mặt để tạo dòng tiền cho công ty là điều mà ban lãnh đạo đang cân nhắc.