Hành trình về nguồn năm 2017 và sinh hoạt chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Chi bộ Chi nhánh Nhơn Trạch

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Công ty và Kế hoạch số 163/KH-ĐU ngày 10/7/2017 của Đảng ủy Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam về việc tổ chức sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm, sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chương trình về nguồn năm 2017.

Từ ngày 03/08-05/08/2017 Chi bộ Chi nhánh Nhơn Trạch đã tổ chức Hành trình về nguồn năm 2017 tại Trường Dục Thanh và Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, kết hợp sinh hoạt chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Điểm đến đầu tiên của Hành trình về nguồn là Trường Dục Thanh tại Phan Thiết.

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình cụ Nguyễn Thông - một nhà thơ yêu nước ở làng Thành Đức, nay là số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết. Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất hồi bấy giờ, do 2 con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội sáng lập nhằm truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến Trường Dục Thanh vào cuối tháng 8/1910, khi đó có khoảng 60 học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất, với 7 thầy giáo giảng dạy. Nguyễn Tất Thành là thầy giáo giỏi và trẻ nhất, chủ yếu dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn. Cùng với dạy học, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên qua từng buổi học.

 

Vào tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn và xuống Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Những tháng ngày dạy học tại Trường Dục Thanh ở thành phố biển Phan Thiết tuy không dài nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nhà trường, về nghề dạy học.

Sau khi ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên Trường Dục Thanh đóng cửa vào năm 1912. Đến năm 1978-1980, Trường Dục Thanh đã được trùng tu, tôn tạo lại nguyên gốc như trước dựa trên những ký ức, kỷ niệm của các cụ là học trò cũ của trường vào thời điểm thầy giáo Nguyễn Tất Thành tham gia giảng dạy.

Khu di tích trường Dục Thanh đã trở thành một trong những nơi gắn liền với thân thế và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới vô cừng gần gũi thân yêu đối với mỗi người Việt Nam. Đến năm 1986, khu Di tích Trường Dục Thanh được Nhà nước xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia.

Hành trình về nguồn lần này của Chi bộ CNNT kết hợp với đợt sinh hoạt thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm tuyên truyền cho Đảng viên và Chi bộ làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện qua những việc làm cụ thể của các tập thể, cá nhân tại đơn vị, đoàn thể.

Tại truờng Dục Thanh nơi Bác Hồ đã dạy học. Đồng chí Nguyễn Quang Huân-Bí thư Chi bộ CNNT, Giám đốc Chi nhánh Nhơn Trạch đã trình bày báo cáo và cùng các Đảng viên, tổ chức đoàn thể thảo luận và ôn lại những câu chuyện về tấm gương của Bác để qua đó áp dụng vào thực tiễn trong công tác chuyên môn tại Chi nhánh Nhơn Trạch.

Tiếp tục hành trình về nguồn, Đoàn đến tham quan và viếng thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Tại khu vực bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Đây là công trình do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động khởi công xây dựng từ tháng 3/2015, ghi công, tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.

Khu tưởng niệm được xây dựng trên khu đất rộng hơn 45.000m2, thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, phía Tây giáp Đại lộ Nguyễn Tất Thành, phía Đông giáp Biển Đông.Công trình có 5 hạng mục chính thể hiện “Hành trình khát vọng” yêu hòa bình và tôn trọng chân lý của dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng ngầm hình tròn quanh hồ nước với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988. (Sáng 14/3/1988, khi các chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản. Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm từ đó.)

Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ.

Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma là công trình do đoàn viên công đoàn, cùng nhiều doanh nghiệp và người dân cả nước đóng góp xây dựng, thể hiện sự biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm.Trong đó, cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” bằng đá granit, cao 15,15m, phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng cách điệu các chiến sỹ Gạc Ma, giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió, quyết một lòng bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ.Bao quanh hình ảnh các chiến sỹ là “Vòng tròn bất tử’, biểu tượng của mặt trời chân lý và sự đồng tâm hiệp lực của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn thắp hương trước tượng đài tại Khu tưởng niệm Gạc Ma

Đoàn tham quan bảo tàng, nơi trưng bày các bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của các Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Gạc Ma. Tại đây còn bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.

Sau khi thắp hương và tham quan các công trình tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, đồng chí Lê Quang Hoàng Chương – Phó bí thư Chi bộ đại diện Đoàn đã ghi lưu bút trong Sổ lưu niệm của Khu tưởng niệm “phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Gạc Ma, tập thể Chi nhánh Nhơn Trạch quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác BDSC các Nhà máy điện, đặc biệt là các đợt Đại tu Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 năm 2017”.

Tin liên quan


Xem nhiều nhất