Những “bác sĩ” của nhà máy điện dầu khí

Nhớ lại khoảng tháng 8-2007, tôi được anh Vũ Huy Quang - khi đó là Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và anh Lê Hồng Tịnh - Tổng giám đốc giao cho nhiệm vụ xây dựng đề án thành lập công ty chuyên bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của tổng công ty. Với PV Power khi đó, việc thành lập một đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa là cấp thiết, khi bắt đầu các nhà máy điện khí được đưa vào vận hành thương mại. Và với mỗi nhà máy, đều cần phải có một tổ “bác sĩ” thường xuyên túc trực, cũng như định kỳ kiểm tra để nhà máy được vận hành an toàn. Phải nói rằng, thời điểm đó, mô hình như PV Power SERVICES hiện nay là chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Các đơn vị khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đều áp dụng mô hình gộp chung cả 2 công tác vận hành - bảo dưỡng sửa chữa tại từng nhà máy.

Nhiệm vụ được giao, tôi lúc đó là Phó trưởng ban Kế hoạch Kỹ thuật và anh Phan Văn Trung - Phó trưởng phòng An toàn đã đi tới rất nhiều nhà máy điện để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Chúng tôi xác định, đề án phải giải đáp được các câu hỏi như ưu, khuyết điểm của từng mô hình công ty bảo dưỡng - sửa chữa. Nếu áp dụng mô hình vận hành - bảo dưỡng như các công ty khác, mỗi nhà máy sẽ phải duy trì một đội ngũ nhân sự túc trực cố định lớn, đồng thời không tận dụng được tối đa hiệu quả từ những kỹ sư, cán bộ có tay nghề. Tuy nhiên, ưu điểm của mô hình này là phân chia phúc lợi một cách công bằng giữa đội ngũ vận hành - bảo dưỡng, bù đắp cho đội ngũ bảo dưỡng sửa chữa phải làm việc ở điều kiện vất vả hơn rất nhiều.

Có nhiều sự trăn trở từ những người tham gia vào đề án như mô hình công ty, làm sao để công ty có sự tự chủ, để có thể nhanh chóng phát triển theo tiềm năng của loại hình dịch vụ này; chọn đối tác, cổ đông ra sao để tận dụng được những lợi thế, kinh nghiệm; rồi thu xếp vốn điều lệ như thế nào cho phù hợp... Rất nhiều câu hỏi, rất nhiều bài toán được đặt ra để mọi người vừa có cái nhìn bao quát về tiềm năng của công ty, cũng như đủ chi tiết để thấy công ty sẽ vận hành ra sao, thực hiện công việc như thế nào…

Lãnh đạo công ty thăm cán bộ, kỹ sư đang làm việc tại NMNĐ Vũng Áng 1

 

Đề án được trình lãnh đạo PV Power và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sau gần 2 tháng “thai nghén” và ngay lập tức được thông qua. Ban lãnh đạo cũng thống nhất việc mời anh Phan Đại Thành với nhiều năm kinh nghiệm vận hành, sửa chữa các nhà máy điện về làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty, đồng thời chọn đối tác YTL - Malaysia góp vốn, trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại PV Power SERVICES.

Công ty thành lập gặp rất nhiều khó khăn. Và khó khăn nhất, trở ngại lớn nhất chính là vấn đề nhân sự. Nếu như đội ngũ vận hành các nhà máy điện của PVN được trực tiếp “sống” cùng nhà máy ngay từ quá trình thiết kế, lắp đặt, hiệu chỉnh và chạy thử thì đội ngũ của PV Power SERVICES hoàn toàn mới mẻ với trang thiết bị công nghệ của chính nhà máy đó. Lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa của PV Power SERVICES ngày đó cũng khó thu hút được các kỹ sư có kinh nghiệm vì điều kiện làm việc vất vả, công ty còn quá trẻ, cũng như khách hàng chỉ vỏn vẹn Nhà máy Điện Cà Mau vào đầu năm 2008.

Hoàn thành đề án với PV Power SERVICES, tôi đã trải qua các vị trí ở Thái Bình, Vũng Áng và tổng công ty trước khi tiếp tục mối duyên cùng PV Power SERVICES với vị trí Thành viên HĐQT hiện nay.

Được trải nghiệm ở các vị trí khác nhau trong ngành sản xuất điện, đặc biệt là vị trí Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh - đơn vị vận hành của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, tôi càng thấm thía những sự vất vả của anh em cán bộ, kỹ sư PV Power SERVICES. Điều kiện làm việc ở các nhà máy nhiệt điện than là vô cùng khắc nghiệt. Ví như Vũng Áng mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời đã 40-50oC, còn nhiệt độ trong khu vực nhà máy, turbine có thể lên trên 60oC, cán bộ kỹ sư còn phải thường xuyên túc trực kiểm tra, chưa kể thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ…

Tôi nghĩ rằng, phải có rất nhiều đam mê, nhiệt huyết và sự tin tưởng vào công ty thì các công nhân, kỹ sư mới đồng hành được với PV Power SERVICES cho đến ngày hôm nay. Và khi đảm nhiệm vị trí tại PV Power SERVICES, tôi xác định, làm sao để cùng ban lãnh đạo công ty không những duy trì đầy đủ công việc cho anh em, mà còn cải thiện điều kiện lao động, nâng cao các chính sách phúc lợi một cách công bằng, đẩy đủ, nâng cao chính sách đào tạo và phát triển các thế hệ kế cận… Bởi chính những người cán bộ, kỹ sư đang ngày đêm sống cùng nhà máy là tài sản quý giá nhất của PV Power SERVICES, là nền tảng để PV Power SERVICES phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển của tổng công ty, Tập đoàn và đất nước.

Phan Thế Hồng - Thành viên HĐQT PV Power SERVICES

 

Tin liên quan


Xem nhiều nhất